Tình hình sử dụng phân bón ở Việt Nam
Từ năm 1985 đến nay, mức tiêu thụ phân đạm tăng trung bình 7,2%/năm; phân lân tăng 13,9%/năm; riêng phân kali có mức tăng cao nhất là 23,9%/năm. Tổng lượng sử dụng N + P2O5 + K2O trong 15 năm qua tăng trung bình 9,0%/năm và trong thời gian tới có xu hướng tăng mỗi năm khoảng 10%. Trong 15 năm qua, ở các giai đoạn: 1985-1990; 199 -1995 và 1996-2001 lượng tiêu thụ phân kali ở Việt Nam tăng rất nhanh và liên tục. Ở các giai đoạn 1985-1990; 1991- 1995 và 1996-2001 mức tiêu thụ phân đạm tăng hàng năm là 10,3%; 16,7% và 8,2% tương ứng. Như vậy trong 5 năm trở lại đây mức tăng tiêu thụ phân đạm đã giảm dần. Ở 3 giai đoạn trên, mức tiêu thụ phân lân tăng hàng năm là 13,4%; 26,8%; 21,1% tương ứng và cũng có xu hướng giảm mức tăng như phân đạm.
Hiện nay, ngành sản xuất phân hóa học nước ta mới đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu của nông nghiệp, còn lại phải nhập khẩu gần như toàn bộ phân đạm urê, kali và phân phức hợp DAP, một lượng khá lớn phân hỗn hợp NPK với tổng số trên 3 triệu tấn/năm. Riêng đối với phân khoáng kali, do phải nhập khẩu hoàn toàn nên tiêu thụ kali ở nước ta bị phụ thuộc thị trường nước ngoài.
Vấn đề sử dụng phân bón ở miền Bắc Việt Nam.
Trước những năm 70, ở miền Bắc Việt Nam, nông nghiệp sử dụng phân hữu cơ là chủ yếu. Phân bón chủ yếu là các loại phân compốt, phân rác, phân xanh các loại... Từ khi bắt đầu cuộc "Cách mạng xanh" đến nay, với các cơ cấu cây trồng mới; giống mới (đặc biệt là các giống lai); hệ thống tưới tiêu được cải thiện; khả năng cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được tăng cường. Đặc biêt sau khi một số điều trong Luật đất đai được sửa đổi (12/ l998), sản xuất nông nghiệp nước ta đã đi theo hướng thâm canh, tăng vụ để tăng năng suất, chất lượng nông sản cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Trong số các thiếu hụt về dinh dưỡng cho cây trồng trên các loại đất ở nước ta, lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là sự thiếu hụt về đạm, lân và kali. Đây cũng là những chất dinh dưỡng mà cây trồng hấp thụ với lượng lớn nhất và sẽ chi phối hướng sử dụng phân bón. Mặt khác, khi bón phân người ta cũng bắt đầu tính đến nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây trồng, thậm chí của từng giống cụ thể, trong các vụ gieo trồng trên từng loại đất riêng. Vì vậy trong việc bố trí cơ cấu sản phẩm phân bón, vấn đề quan trọng là phải nắm được cơ cấu cân đối dinh dưỡng cho cây trồng trong vụ đổng thời có tính đến đặc điểm của các loại cây trồng vụ trước.
Thực tế cũng chứng minh, phân hữu cơ chỉ có thể là một loại phân bón bổ sung nhằm cân đối dinh dưỡng và cải thiện tính chất cơ lý của đất chứ không thể thay thế hoàn toàn phân vô cơ (phân khoáng). Do vậy, để bảo đảm cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững, phải tăng cường sử dụng phân bón trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa phân vô cơ và phân hữu cơ, trong đó các loại phân được sử dụng không những chỉ cân đối về tỷ lệ mà còn phải cân đối với lượng hấp thụ để bù lại lượng thiếu hụt do cây trồng lấy đi từ đất.
Vì vậy, nông nghiệp nước ta nói chung và miền Bắc nói riêng không thể chấp nhận được nguyên lý "tuyệt đối không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học", đặc biệt trong điều kiện chúng ta ngày càng sử dụng nhiều giống cây trồng có năng suất cao. Định hướng phát triển nông nghiệp bền vững đang đặt ra yêu cầu sử dụng phân bón hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế. Trước hết phải tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, cùng các biện pháp kỹ thuật khác như: cày vặn rạ, cày vùi phụ phẩm các loại cây trồng (đặc biệt là các cây họ đậu) hoặc trồng xen loại cây họ đậu lớn làm cây bóng mát ở vườn cà phê hay vườn cây ăn quả.v.v... Trên cơ sở đó dùng một lượng phân hóa học hợp lý, bón cân đối cho mỗi cây trồng trong hệ thống cơ cấu cây trồng trên từng loại đất
Kết quả điều tra tình hình sử dụng phân bón của Viện Thổ nhưỡng - Nông hóa và các viện, trường đại học nông nghiệp từ năm 1995 đến nay cho thấy một số hạn chế về việc sử dụng phân bón miền Bắc nước ta như sau:
- Việc bón phân mới chỉ chú trọng ở đất đồng bằng nơi có một số cây trồng có lượng nông sản hàng hóa tương đối lớn như: lúa, ngô, lạc, khoai tây, rau vụ đông v.v... Ở đất đồi núi, người ta chỉ chú trọng bón phân cho các vùng chuyên canh như chè, mía. Trong 10 năm qua, tỷ lệ bón N, P, K đã cân đối hơn (Tỷ lệ N: P: K của các năm 1990, 1995 và 2000 là 1: 0,12: 0,05;1:0,46: 0,12 và 1: 0,44: 0,37 tương ứng. Tuy nhiên, tỷ lệ NPK vẫn còn mất cân đối, đặc biệt đối với cây trồng trên đất dốc (tỷ lệ kali còn rất thấp so với tỷ lệ đạm, lân). Do công tác khuyến nông về kỹ thuật bón phân cân đối chưa được làm tốt và tâm lý ưa chuộng phân đạm của nông dân nên việc tăng bón đạm đã làm trầm trọng thêm sự mất cân đối dinh dưỡng trong đất làm hiệu quả kinh tế sử dụng phân bón chưa cao.
- Lượng phân bón trên 1 ha tuy đã được tăng lên (ở các năm 1990- 1995 -2000 tổng lượng bón N + P2O5 + K2O (kg/ha) là 58,7: 117,7 và 170,8 tương ứng, chủ yếu trên đất đồng bằng và so với các nước phát triển thì mức trên vẫn còn thấp (ở Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản tổng lượng NPK tiêu thụ khoảng 240-400 kg/ha). Trên đất đồi núi ở nước ta, mức sử dụng phân bón còn thấp hơn nhiều, đặc biệt phân kali được bón quá ít như đã nêu ở trên.
- Sử dụng phân bón không đồng đều giữa các vùng sinh thái và các thửa ruộng trong một tiểu vùng. Vì đất trồng trọt ở vùng đồng bằng đã chia cho từng hộ gia đình, nên lượng phân bón cho nhu cầu của mỗi loại cây trồng cũng rất khác nhau, phụ thuộc vào khả năng chăn nuôi và tiềm lực kinh tế của mỗi hộ. Mặt khác, diện tích đất trồng trọt của mỗi hộ gia đình ở vùng đồng bằng là rất thấp, trung bình là 0,3 ha/hộ, hơn nữa lại chia ra quá nhiều thửa ruộng ở các tiểu địa hình trong xã (trung bình mỗi hộ có 4-5 thửa, nhiều nơi mỗi hộ có tới 10 - 12 thửa ruộng) nên đã tạo tâm lý cho nông dân không muốn bón phân đầy đủ cho cây trồng ở mỗi thửa ruộng của mình. Trên đất đồi núi, việc đầu tư cho phân bón lại rất thấp, đặc biệt đối với cây công nghiệp, cây thực phẩm lâu năm, cây ăn quả, cây rừng, đồng cỏ. Người ta rất ít chú ý đến phân bón cho các vùng trồng rừng trong kế hoạch phủ xanh đất trống, đồi trọc.
- Sử dụng phân bón còn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Sử dụng phân chuồng và phân rác không hợp vệ sinh gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa v.v... ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Phân vô cơ thuộc nhóm chua sinh lý (Urê, SA, K2SO4, KCl, supe lân còn dư lượng axit) đã làm chua hóa đất nên đã làm nghèo kiệt các ion bazơ và làm xuất hiện nhiều nguyên tố độc hại mà chủ yếu là Al3+, Fe3+, Mn2+ di động có hại cho cây trồng, làm giảm hoạt tính sinh học của đất. Ngoài ra, việc bón nhiều và bón muộn phân đạm cho rau đã làm tăng đáng kể hàm lượng nitrat trong sản phẩm rau.
- Chất và lượng các nguyên tố dinh dưỡng của nhiều loại phân bón không bảo đảm nên khi sử dụng đã ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây trồng. Bón các loại phân này không những không tăng năng suất cây trồng và chất lượng nông sản mà còn gây thiệt hại kinh tế cho các hộ nông dân. Các loại phân này chủ yếu thuộc các nhóm: phân trộn (phân hỗn hợp), phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh, phân hữu cơ - khoáng, phân bón lá do các đơn vị và tư nhân sản xuất bằng các phương pháp lạc hậu hoặc cố ý lừa đảo. Các loại phân đó không đạt tiêu chuẩn Việt Nam về liều lượng, tỷ lệ các nguyên tố dinh dưỡng và hàm lượng các nguyên tố độc hại, khi bón sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Quan điểm về việc sử dụng phân bón cho cây trồng ở miền Bắc Việt Nam như sau:
- Quỹ đất các vùng đồng bằng ở miền Bắc rất hạn chế, khó có khả năng mở rộng diện tích. Hơn nữa đất có độ phì tự nhiên thấp. Ở vùng đồi núi, diện tích đất hoang hóa, đất trồng trọt còn rất lớn cần được tái sử dụng và cải tạo. Do đó, để nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao độ phì nhiêu của đất, việc sử dụng phân bón (phân hữu cơ, vô cơ) cho các cơ cấu cây trồng hợp lý phải được chú trọng theo hướng:
* Xem xét cơ cấu sử dụng đất ở mỗi vùng sinh thái;
* Đối với đất cần bón theo chiều sâu để bảo đảm hiệu quả kinh tế và ổn định độ phì;
* Ổn định diện tích canh tác giảm bớt diện tích sản xuất lương thực trên đất dốc, phát triển chăn nuôi để có phân hữu cơ cung cấp cho cây trồng.
- Tăng lượng phân bón NPK cho 1 ha gieo trồng theo nguyên tắc cân đối đạm, lân, kali cho từng loại cây trồng trong hệ thống canh tác, trước hết đối với các loại cây có giá trị hàng hóa lớn như: lúa, ngô, lạc, đậu đỗ, rau vụ đông, chè, mía, v.v... là những nông sản chính ở miền Bắc Việt Nam.
- Tuỳ theo điều kiện của mỗi gia đình, mỗi địa phương, việc sử dụng phân bón phải theo hướng bón phối hợp phân hữu cơ và vô cơ để có đủ dinh dưỡng NPK cho mỗi loại cây trồng, đặc biệt trên đất bạc màu, đất trống đồi trọc.
- Để nâng cao hiệu quả kinh tế việc sử dụng phân bón phải theo nguyên lý tổng hợp giữa các biện pháp kỹ thuật canh tác như: tưới tiêu, giống cây trồng, bảo vệ thực vật, thời vụ gieo trồng v.v...
- Bón phân đa lượng NPK cho từng loại cây, loại đất cũng phải cân đối với các nguyên tố dinh dưỡng trung và vi lượng. Sử dụng phân phun lá cũng là một trong những biện pháp sử dụng phân bón có hiệu quả trong sản xuất hiện nay.
- Tiến tới giảm dần việc sử dụng phân bón không đồng đều giữa các vùng hoặc trong cùng một vùng: giữa các hộ nông dân giàu, nghèo và trung bình ở mỗi vùng sinh thái. Đặc biệt, phải tăng cường khả năng sử dụng NPK ở những vùng đất trống đồi trọc hiện đang triển khai chương trình trồng rừng.
- Trong 3 nguyên tố N, P, K; lân thường có hiệu lực và hiệu quả kinh tế cao khi được bón lót với tỷ lệ liều lượng lớn (70- 1000%, phụ thuộc vào cây trồng, độ phì nhiêu thực tế của đất.v. v.) Vấn đề này cần được tính đến khi sử dụng phân hỗn hợp, phân phức hợp có tỷ lệ N: P: K khác nhau để nhằm mục đích nâng cao hiệu quả khi bón th úc.
Ở vùng đất đồi núi, do điều kiện địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp sinh học như: sử dụng các cây trồng xen làm phân xanh, nông dân cần phải sử dụng phân hỗn hợp NPK có hàm lượng nguyên tố dinh dưỡng cao để giảm phí vận chuyển và công lao động.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, Chương trình khuyến nông - phân bón cho cây trồng ở Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng phải đạt được một số mục tiêu sau:
- Điều tra tình hình sử dụng phân bón của nông dân, đánh giá hiện trạng của hệ thống cung ứng, dịch vụ phân bón; Tập huấn, xây dựng mô hình hướng dẫn nông dân bón phân cân đối, hợp lý với đặc điểm của đất đai và khí hậu tại từng vùng sinh thái thông qua các lớp học "đồng ruộng" để tăng năng suất và chất lượng nông sản, đồng thời đảm bảo ổn định độ phì nhiêu đất đai và an toàn môi trường sinh thái.
- Đề xuất với Nhà nước các chính sách và quy định phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng phân bón. đảm bảo sản xuất phát triển có hiệu quả.
Danh mục sản phẩm
Thông tin chung
liên kết website
thống kê truy cập
- Online: 1
- Hôm qua: 22
- Tổng truy cập: 37029